Ngày 02/4/2025, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 252/QĐ-SHTT, cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00144 cho sản phẩm cam mang tên “Lục Ngạn”. Ủy ban nhân dân huyện Lục Ngạn là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Cam được đưa vào trồng tại huyện Lục Ngạn từ những năm 1990 với ba giống chính: cam CS1 (cam lòng vàng), cam đường canh (cam ngọt) và cam V2. Đây là cây ăn quả chủ lực thứ hai của huyện (sau vải thiều). Nhờ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và kỹ thuật canh tác đặc thù, cam Lục Ngạn có vị ngọt đậm, được người tiêu dùng – đặc biệt ở khu vực phía Nam – ưa chuộng.

Cụ thể:

  • Cam lòng vàng (giống CS1): vị ngọt đậm, hàm lượng đường ≥ 9,7%.
  • Cam ngọt (giống đường canh): vị ngọt, hàm lượng đường ≥ 9,01%.
  • Cam V2: vị ngọt đậm, hàm lượng đường ≥ 9,1%.

Chất lượng cam Lục Ngạn gắn liền với điều kiện địa lý tự nhiên và kỹ thuật canh tác. Khác với nhiều vùng khác chỉ bón lân một lần, tại Lục Ngạn, cây cam được bón lân hai lần mỗi vụ – sau thu hoạch và giai đoạn quả phát triển – giúp tăng độ ngọt của trái. Riêng với giống cam ngọt, nông dân còn áp dụng kỹ thuật khoanh gốc và cành từ tháng 4–5 hằng năm (2–3 lần/vụ), góp phần tích lũy dinh dưỡng cho quả, nâng cao năng suất và chất lượng.

Khu vực được bảo hộ chỉ dẫn địa lý bao gồm thị trấn Chũ và 28 xã thuộc huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang như: Thanh Hải, Kiên Lao, Biên Sơn, Tân Hoa, Giáp Sơn, Phong Vân, Cấm Sơn…

Việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý không chỉ khẳng định giá trị sản phẩm nông sản địa phương mà còn tạo động lực nâng cao uy tín, năng lực cạnh tranh của cam Lục Ngạn trên thị trường trong và ngoài nước.