Việc Twitter đổi tên thương hiệu và bỏ biểu tượng chú chim xanh đã khiến công chúng bất ngờ, với nhiều thắc mắc như liệu đây có phải là một động thái hợp lý hay không, hay liệu hoạt động này có thể mang lại làn gió mới trên thị trường đang thay đổi chóng mặt?

Sau khi mua lại nền tảng, Elon Musk đã cho biết kế hoạch muốn biến X trở thành một “ứng dụng toàn diện”, với hình mẫu cho có thể là WeChat của Tencent. Đây có thể là động lực khiến Musk muốn thay đổi thương hiệu Twitter thành X.
Những rủi ro của việc đổi tên thương hiệu
Việc xây dựng thương hiệu X có lẽ sẽ không dễ dàng, và bước đi này có thể gây ra một số rủi ro khi từ bỏ một thương hiệu nổi tiếng:
Giá trị thương hiệu
Với sự phát triển của Twitter, các thuật ngữ quen thuộc như “tweet” và “tweeting” đã trở nên phổ biến. Khi thay đổi tên, Twitter sẽ mất đi phần nào mức độ nổi tiếng của mình. Mặc dù nhiều người vẫn tin rằng thương hiệu cá nhân của Elon Musk có đủ sức để duy trì nền tảng này, việc thay đổi tên thương hiệu trên vẫn rất mạo hiểm, với tổn thất về giá trị thương hiệu được ước tính lên đến 4 – 20 tỷ đô la.
Xung đột và tranh chấp
Có hàng trăm công ty sử dụng các nhãn hiệu chứa chữ X chỉ riêng tại Hoa Kỳ (bao gồm Meta và Microsoft) khả năng xảy ra các phản đối và tranh chấp sở hữu trí tuệ là khá cao. Meta cũng đã đối mặt với những vấn đề tương tự sau khi thay đổi tên công ty của mình từ Facebook.
Khả năng đăng ký
Việc đăng ký nhãn hiệu cung cấp phương tiện bảo vệ hiệu quả và giúp doanh nghiệp thực thi các quyền liên quan đến nhãn hiệu một cách hiệu quả hơn. Với sự phổ biến của chữ “X” trong nhiều tên thương hiệu, việc đăng ký nhãn hiệu có thể là một thách thức đáng kể đối với Twitter. Ngoài ra, một nhãn hiệu với chỉ một chữ cái sẽ có thể thiếu sự phân biệt cần thiết so với các nhãn hiệu khác, và điều này có thể hạn chế các loại hàng hóa và dịch vụ liên quan đến nhãn hiệu.
Đối với các doanh nghiệp đang xem xét việc thay đổi tên thương hiệu, để hỗ trợ việc thay đổi hình ảnh hoặc lĩnh vực kinh doanh, các yếu tố quan trọng cần được xem xét bao gồm:
Nghiên cứu người tiêu dùng – xem xét hình ảnh của doanh nghiệp trong mắt khách hàng và đánh giá mức phụ thuộc của người tiêu dùng đổi với thương hiệu, để thực hiện các hoạt động như thay đổi logo và phong cách thương hiệu hay thay đổi tên thương hiệu.
Chuẩn bị nguồn lực – việc đổi tên thương hiệu là khoản đầu tư lớn, có thể chiếm một phần lớn ngân sách tiếp thị của doanh nghiệp để đảm bảo người tiêu dùng nhận ra thương hiệu mới. Các tài liệu tiếp thị cũ cần phải được cập nhật, bao gồm trang web, văn phòng phẩm, tài liệu bán hàng, v.v.
Xem xét thị trường – chọn một nhãn hiệu có tính phân biệt so với các đối thủ hoạt động trong thị trường để tránh tranh chấp, tăng cơ hội đăng ký và tối ưu hóa các khoản đầu tư của doanh nghiệp.
Đăng ký nhãn hiệu – việc đăng ký nhãn hiệu ở các thị trường liên quan sẽ bảo vệ thương hiệu mới của doanh nghiệp và giúp việc thực thi ngăn chặn các thương hiệu giả mạo dễ dàng hơn.
Cập nhật hợp đồng với các đối tác – nếu doanh nghiệp có các đối tác kinh doanh sử dụng thương hiệu của họ, mọi thay đổi sẽ cần phải được ghi nhận vào hợp đồng để đảm bảo việc sử dụng và duy trì giá trị thương hiệu. Việc đổi tên thương hiệu là một quy trình phức tạp cần được thực hiện cẩn trọng theo kế hoạch.