Từ những chiếc hộp nhựa đựng đồ ăn dùng 1 lần, các sinh viên Việt tài năng đã cùng nhau hợp tác để sáng chế nên vật liệu xây dựng tận dụng xốp thải Polystyren. Sáng chế này hoàn toàn có khả năng đổi mới góc nhìn của người Việt về hộp nhựa và có tiềm năng kinh tế lớn.

Liệu bạn đã bao giờ thắc mắc các hộp cơm xốp trắng được tạo ra như thế nào và sau khi dùng xong nó đi về đâu? Liệu có phải vật liệu tạo nên các hộp cơm này có thể được phân hủy dễ dàng, thân thiện với môi trường nên mới được dùng để đựng cơm ăn thường ngày tại các quán cơm.

Tuy nhiên, hộp nhựa này vốn không hề thân thiện với môi trường và cả người tiêu dùng, nó chỉ được sử dụng nhiều bởi giá thành sản xuất rẻ và thậm chí có khả năng tiết ra các chất độc hại vào thực ăn nếu đồ ăn quá nóng,… Sau khi dùng, người dân Việt vốn không mấy quan tâm đến việc các hộp nhựa này có nên được phân loại đúng nơi hay không.

Do đó, khi đi trên đường ta có thể thường xuyên nhìn thấy cảnh các hộp nhựa nằm ngổn ngang ở bãi rác, lòng đường, trôi nổi trên phố,…

Nhận thấy được tình trạng này, hai bạn Mai Văn Phong (sinh viên năm 3 Đại học Phenikaa) và bạn Vũ Quang Huy (sinh viên năm 4, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội) đã ấp ủ ý tưởng thay đổi suy nghĩ của người dùng đồ nhựa 1 lần, từ đó làm đẹp cảnh quan Việt Nam, đồng thời cải thiện, tối ưu sự phát triển của nền kinh tế nước nhà.

Qua đó, các bạn đã bắt tay vào việc nghiên cứu sáng chế biến các hộp xốp lãng phí dùng 1 lần vào làm gạch, bê tông có thể cách nhiệt, cách âm tốt, nhẹ hơn các sản phẩm trên thị trường.

Các hộp xốp thải PS (Polystyren) thường được dùng một lần để đựng thức ăn hoặc chống va đập rồi thải ra môi trường. Bởi lẽ loại nhựa này là loại nhựa có chứa styrene và benzen, do đó, khi trôi xuống nước, ra sông, biển sẽ gây ô nhiễm môi trường nước và nguy hại đối với các sinh vật.

Thu gom xốp thải để tạo gạch

Theo sáng kiến của 2 bạn sinh viên, xốp PS thải sẽ được thu gom từ nhiều nguồn khác nhau, được rửa sạch trước khi đưa qua máy nghiền để tạo kích thước hạt đồng đều.

Sau khi đã tổng hợp được lượng nguyên liệu đầu vào lớn, chúng sẽ được nghiền nhỏ. Qua đó, xốp PS trở thành cốt liệu, phối trộn với chất kết dính là xi măng. Hỗn hợp bê tông nhẹ được cho vào khuôn để tạo hình dạng, kích thước phù hợp mục đích sử dụng.

Ước tính giá thành cho 1m3 sản phẩm vào khoảng 600 – 700 nghìn đồng với tỷ lệ 1 xi măng, 2 xốp PS. Sản phẩm sẽ có giá thành rẻ hơn so với các sản phẩm tương tự đã có trên thị trường.

Sinh viên Vũ Quang Huy đang kiểm tra sản phẩm bê tông trong phòng thí nghiệm tại Đại học Phenikaa. Ảnh NVCC

Huy cho biết rằng để tìm được tỉ lệ chuẩn để tạo nên loại vật liệu xây dựng này, nhóm đã trải qua rất nhiều thí nghiệm mới tạo ra được hỗn hợp bê tông cuối cùng.

Hiện nhóm đã sản xuất được vật liệu ở dạng gạch và tấm ốp tường với quy mô phòng thí nghiệm.

Tuy rằng giá thành rẻ và có tiềm năng phát triển lớn nhưng sẽ còn một chặng đường dài cho đến khi sáng chế của 2 bạn được áp dụng công nghiệp, sản xuất hàng loạt trên khắp lãnh thổ Việt Nam và thậm chí là thế giới.