ChatGPT có thể là một công cụ hữu hiệu để hỗ trợ những nhu cầu của người dùng. Nhưng công cụ này cũng có không ít những rủi ro và lỗ hổng. Bài viết này sẽ đề cập đến những nguy cơ tiềm ẩn mà người dùng cần lưu ý khi sử dụng ChatGPT và những vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ nào có thể phát sinh trong quá trình sử dụng công cụ này.

Phòng thí nghiệm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) OpenAI đã ra mắt nền tảng AI có khả năng giao tiếp “Generative Pre-training Transformer” hay ChatGPT vào cuối năm 2022. Nền tảng AI này đã cách mạng hóa công nghệ chatbot với việc cung cấp khả năng dễ dàng tiếp cận và khả năng toàn diện. Trong vòng chưa đầy một tuần sau khi được ra mắt, nền tảng này đã thu hút được hơn một triệu người dùng, đây là một kỳ tích mà ngay cả những nền tảng trực tuyến hướng tới người tiêu dùng thành công nhất cũng phải mất nhiều năm mới có thể đạt được.

Mặc dù, có vẻ như việc sử dụng một công cụ AI miễn phí và toàn diện như ChatGPT sẽ mang lại rất nhiều lợi ích, nhưng các doanh nghiệp sẽ cần phải cân nhắc cẩn thận việc nhân viên của mình sử dụng ChatGPT (hoặc các dịch vụ tương tự) vì những hoạt động như vậy có thể gây ra nhiều rủi ro pháp lý tới hoạt động của cả doanh nghiệp.

Bài viết này sẽ đề cập đến những vấn đề về quyền sở hữu, phát triển và duy trì quyền SHTT mà các doanh nghiệp phải cân nhắc do sự có sẵn và rủi ro của ChatGPT và các công cụ AI tương tự.

Rủi ro liên quan đến quyền SHTT khi sử dụng ChatGPT.

Cách thức hoạt động của ChatGPT

ChatGPT có thể tạo cho người dùng những nội dung mà họ có thể đọc và sử dụng được cũng như đưa ra những câu trả lời theo nhiều chủ đề, bao gồm mọi hoạt động từ việc soạn thảo một bài luận (theo văn phong nhất định) đến việc tự viết mã nguồn cho các phần mềm. Điều khiến ChatGPT khác biệt so với các chatbot khác là công cụ này có thể tự tạo ra các nội dung sáng tạo mới (so với việc cung cấp những nội dung trực tuyến có sẵn phù hợp với nhu cầu của người dùng nhất), có thể tương tác và trò chuyện với người dùng, ghi nhớ các cuộc hội thoại và kết hợp thông tin đó để đưa ra phản hồi phù hợp hơn với người dùng. Theo Điều khoản sử dụng của OpenAI, nói chung, hiện tại bất kỳ ai cũng có thể đăng ký tài khoản miễn phí để sử dụng ChatGPT tại chat.openai.com.

Những rủi ro khi sử dụng ChatGPT

Người dùng nên thực sự cân nhắc về những rủi ro liên quan đến việc nội dung mà ChatGPT tạo ra có thể vi phạm quyền SHTT của các nội dung khác. Vì ChatGPT là AI ngôn ngữ toàn diện đã được “đào tạo” trên vô số bộ dữ liệu có sẵn khác nhau, nên sẽ có khả năng những nội dung được tạo ra có thể vi phạm bản quyền các tác phẩm liên quan đến các bộ dữ liệu có sẵn đó. Việc sử dụng những nội dung có bản quyền để “đào tạo” AI có thể khiến AI đó sử dụng quá nhiều nội dung nhiều từ tác phẩm có bản quyền khi đưa ra phản hồi cho người dùng, điều này sẽ có khả năng dẫn đến các khiếu nại vi phạm bản quyền.

Trong quá trình sử dụng ChatGPT, người dùng có thể tự do sao chép và dán thông tin dạng văn bản dài với các dòng lệnh Ctrl+C và Ctrl+V, điều này sẽ gây ra khả năng người dùng có thể vô tình nhập các dữ liệu bí mật của mình và những thông tin bí mật này sẽ được AI sử dụng. Việc sử dụng như vậy có thể liên quan đến thông tin bí mật và/hoặc bí mật kinh doanh của một công ty, của khách hàng hoặc những người khác. Điều khoản sử dụng của OpenAI không cung cấp bất kỳ biện pháp bảo vệ nào đối với những thông tin bí mật mà người dùng có thể nhập vào ChatGPT. Ngược lại, Điều khoản sử dụng cung cấp quyền sử dụng rộng rãi của OpenAI đối với bất kỳ nội dung nào được nhập vào và nội dung nào được tạo ra nào để cải thiện phản hồi của ChatGPT (nhưng cho phép người dùng liên hệ với OpenAI để tạm dừng việc OpenAI sử dụng nội dung cho mục đích này).