Trong khi nhiều giọng ca nghệ sĩ Việt Nam đang cố gắng tạo điểm nhấn cho bản thân và làng nhạc Việt thì vẫn có một bộ phận nghệ sĩ trẻ lại chọn con đường phổ lời Việt lên các bài hát nổi tiếng quốc tế – điển hình là nhạc Hoa. Phong trào ‘Nhạc Hoa lời Việt’ này đã được phổ biến kể từ những năm thập niên 90s, 00s. Và hiện nay, giới trẻ Việt Nam đã phát dương quang đại trào lưu này và phát triển nó mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, trào lưu này sẽ góp phần làm phong phú cho nền âm nhạc Việt hay đây chỉ đơn giản là sự lười biếng, nghèo nàn trong sáng tạo?

Nhạc Hoa lời Việt

Hiểu cho đơn giản thì nhạc Hoa lời Việt chính là lấy 1 bản nhạc của Trung Quốc bất kỳ bỏ đi phần lời gốc, phổ lại lời Việt lên trên đó. Người phổ nhạc có thể có hoặc không biến tấu lại một vài cấu trúc nhất định trong bài hát, tuy nhiên, giá trị cốt lõi của thể loại nhạc này là không làm thay đổi nội dung tổng thể của bài hát.

Ảnh hưởng của nhạc Hoa lời Việt đến nền âm nhạc Việt Nam

Thời kỳ thập niên 90s, 00s nhạc Hoa lời Việt như là 1 cơn sốt càn quét khắp 3 miền Bắc – Trung – Nam tại nước ta. Có thể nói, người dân lúc bấy giờ ai ai cũng mở đài báo để nghe các bản nhạc Hoa lời Việt hot như “999 Đoá Hoa Hồng”, “Người Đến Từ Triều Châu”, “Dù Có Là Người Tình”, … Nếu thời kỳ ấy có 1 BXH hay Youtube để thống kê số liệu cho ra Top Trending thì chắc chắn, không một dòng nhạc nào có cửa để mà đọ lại độ Hot của các bản nhạc Hoa lời Việt.

Nhạc Hoa lời Việt trending. Ảnh: nhaccuatui

Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển rực rỡ của nhạc Hoa lời Việt cũng đồng nghĩa với sự đi xuống của nhạc Việt thuần túy. Chính vì vậy, âm nhạc Việt Nam thời kì đó khá ảm đạm và chán nản, không có điểm sáng. Các bài hát được sáng tác trong nước dù có tiếng vang nhưng cũng dễ dàng bị ánh hào quang của những sản phẩm “vay mượn” như nhạc Hoa lời Việt che lấp.

Vì sao nhạc Hoa lời Việt lại suy tàn, biến mất và tiếp tục nổi lên

Tuy nhiên, nếu bạn là dân 9x – nhóm thế hệ trẻ có sự tiếp cận với công nghệ thông tin thì bạn có thể tự hỏi là nhạc Hoa lời Việt đâu có nổi đến như vậy. Điều đó là đúng. Bởi vì sau một thời gian trending, nhạc Hoa lời Việt đã đi xuống trong thập kỉ đầu của thế kỉ 21.

Ý thức được sự nghèo nàn, thoái hoá của âm nhạc Việt Nam lúc bấy giờ, nhiều nghệ sĩ như Anh Quân, Huy Tuấn, Dương Thụ, Quốc An, Võ Hoài Phúc, Quốc Hùng, … đã liên tục cho ra các bản Hit mang đậm tinh thần Việt và chung tay đẩy lùi ảnh hưởng của các bản nhạc Hoa lời Việt bằng các bài hát như: “Cây Đàn Sinh Viên”, “Hoang Mang”, “Trống Vắng”, “Tóc Ngắn”, …

Những nghệ sĩ Việt và các bài hát mang đậm bản sắc Việt đã mở ra trang sử mới cho làng nhạc Việt Nam, đánh dấu chấm hết cho thời kỳ hoàng kim của các bản nhạc Hoa lời Việt.

Thế nhưng, vài năm gần đây có không ít các nghệ sĩ trẻ lại không ngừng góp tay mong muốn mở lại cái thời kỳ nhạc “vay mượn” đó thông qua các bản Cover đầy Viral trên Youtube, Tiktok và Facebook. Một số cái tên khá nổi trội có thể kể ra như Tăng Phúc, Hà Nhi, Thiên An, Juky San, Quang Đăng, …

Một trong những bài nhạc Hoa lời Việt nổi tiếng nhất hiện nay có thể kể đến bài ‘Độ ta không độ nàng’ của Thiên An official, hay ‘Chỉ là không cùng nhau’ của Tăng Phúc, …

Tương lai của nhạc Hoa lời Việt

Hầu hết các bài hát nhạc ngoại đặt lời Việt trước đây đều không xin phép bản quyền tác giả bản gốc. Thường khi nghe bản nhạc gốc thấy hay, các nhạc sĩ chuyển ngữ hay đặt lời mới bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, hiện nay, mọi bản nhạc Hoa lời Việt đều đã được xin phép chuyển thể từ tác giả sau vụ lùm xùm xung quanh chuyện Mỹ Tâm vi phạm tác quyền ca khúc nhạc ngoại lời Việt của nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng.

Sở dĩ các ca khúc nhạc Hoa lời Việt hiện tại gây bão trở lại được chính là vì các bài hát đó được xây dựng trên bản phối mới phù hợp với thị hiếu của khán giả trẻ hiện nay. Hầu hết những tác phẩm được chọn để chuyển thể tiếng Việt đều là những bản hit triệu views sẵn trước đó rồi. Vì vậy, việc chuyển hóa nhạc Hoa sang ‘nhạc Việt’ là điều rất dễ dàng và thuận tiện.

Các nghệ sĩ cover nhạc Hoa lời Việt có thể sẽ có sự khởi đầu khá suôn sẻ trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, nếu quá lạm dụng các giai điệu sẵn có thì âm nhạc của họ sẽ mất đi tính sáng tạo. Các nghệ sĩ đó sẽ chỉ có thể trở thành nghệ sĩ tầm trung chứ không thể nào lên đến đỉnh cao của nhạc Việt, thậm chí mang nhạc Việt lên khán đài thế giới.

-Huntress-