Mới đây, hưởng ứng tinh thần đồng lòng chung tay đẩy lùi dịch Covid-19 tại Việt Nam và trên toàn thế giới, Việt Nam ta đã có 3 em học sinh Việt được WIPO vinh danh trước toàn thể thế giới vì sáng chế chống lại virus Covid-19. Vào sáng 29/11/2021, các em đã được Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới trao danh hiệu Đại sứ trẻ sở hữu trí tuệ, một vinh dự lớn lao cho các nhà sáng chế trẻ của Việt Nam.

Trong chuyến thăm và làm việc của chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại trụ sở Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) ở Geneva, Thụy Sĩ, 3 em học sinh là Đỗ Trọng Minh Đức, sinh năm 2005, trường Montverde Academy (Mỹ) và Trần Nguyễn Khánh An, sinh năm 2006, Trường Song ngữ Quốc tế Hà Nội và Nguyễn Hoàng Phúc, sinh năm 2007, trường quốc tế Pháp Lfay Hà Nội đã vinh dự được trao danh hiệu Đại sứ trẻ sở hữu trí tuệ vì sáng chế ra “mũ chống dịch Vihelm”.
Buổi vinh danh diễn ra vào sáng 29/11 (giờ địa phương) với sự tham gia của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại lễ công bố trao danh hiệu cho 3 em học sinh Việt – đồng thời cũng là 3 học sinh đầu tiên của khu vực châu Á Thái Bình Dương được WIPO trao tặng danh hiệu này.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã phát biểu, động viên khuyến khích thanh niên Việt Nam cũng như thế giới tham gia hoạt động sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo, hưởng ứng các sáng kiến do WIPO khởi xướng trên toàn cầu.
Mũ chống dịch Vihelm
Chiếc mũ chống dịch Vihelm được sáng chế ra ngay thời điểm thế giới đang trong thời kì khủng hoảng cao nhất từ trước đến nay trong suốt 2 năm dịch Covid-19 hoành hành với biến thể Omicron tại Nam Phi mới được phát hiện, với khả năng tàn phá và ảnh hưởng không thể đo đếm.
Được chế tạo nên trong thời kì như vậy, chiếc mũ chống dịch Vihelm càng thể hiện được tầm quan trọng của mình trong công tác phòng chống dịch tại Việt Nam và trên toàn thế giới.
Chiếc mũ được thiết kế dựa trên cơ chế mặt nạ phòng độc nhưng với kết cấu đơn giản hơn.
Khi đội mũ bảo hộ, không khí sẽ được bơm liên tục qua một bộ màng lọc khiến virus không thể lây xuyên qua. Với hệ thống quạt làm thoáng khí được thiết kế, mũ sẽ không bị đọng hơi nước bên trong. Mỗi chiếc mũ đều có gắn với găng tay để giúp cho các hoạt động như gãi ngứa trên mặt, lau mồ hôi, hắt hơi, lau chùi mũ,… Chiếc mũ được thiết kế theo tiêu chí vừa có khả năng ngăn ngừa lây nhiễm chéo, vừa đảm bảo thoải mái, an toàn cho người sử dụng. Sản phẩm này đã vào chung kết cuộc thi sáng tạo quốc tế ICAN 2020.
Tiến bước phát triển
Tổng Giám đốc WIPO Daren Tang cho biết rằng WIPO đánh giá cao các nỗ lực và thành tựu ấn tượng của Việt Nam trong việc quan tâm đầu tư phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia những năm gần đây.
Điều này được thể hiện rõ qua việc một trong những thành tựu lớn nhất của Việt Nam trong sở hữu trí tuệ là về việc gia tăng vượt bậc trong chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), đứng đầu trong nhóm 34 nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp.
Theo đó, Tổng Giám đốc WIPO đề xuất khả năng hợp tác cùng Việt Nam xây dựng trung tâm đào tạo sở hữu trí tuệ cho thanh niên, doanh nhân khởi nghiệp. Đồng thời, 2 bên cũng có thể hợp tác thiết lập mạng lưới doanh nhân khởi nghiệp toàn cầu, tăng cường đào tạo năng lực về sở hữu trí tuệ cho các cán bộ Việt Nam trong đó có cán bộ ngoại giao, chuyên gia đàm phán.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh nỗ lực của WIPO và cá nhân Tổng Giám đốc trong việc thúc đẩy hệ sinh thái sở hữu trí tuệ toàn cầu, hỗ trợ các quốc gia đổi mới, nâng cao năng suất lao động.
Qua đó, chủ tịch nước cũng đề nghị WIPO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động triển khai Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia và Luật Sở hữu trí tuệ. Từ đó, WIPO và Việt Nam sẽ cùng hợp tác phát triển bền vững, đào tạo các nhân tài trẻ và đội ngũ chuyên gia có thể đóng góp công sức của mình vào sự phát triển của sở hữu trí tuệ tại không chỉ Việt Nam mà trên cả thế giới.