Tại diễn đàn “Chung tay chống hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại, bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng”, các chuyên gia đã bàn bạc về vấn đề hàng giả, hàng nhái cũng như nguyên nhân và một số giải pháp đề xuất để dập tắt vấn nạn này.

Một số chủ đề nổi bật được thảo luận tại Diễn đàn bao gồm:

  • Thực trạng hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại hiện nay, những tác động và ảnh hưởng của nó đến nền kinh tế;
  • Nhận diện và giải pháp ngăn chặn buôn lậu, hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại;
  • Trách nhiệm của Nhà sản xuất kinh doanh khi đưa sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng thì phải tuân thủ những quy định gì về sở hữu trí tuệ, giá cả đo lường, chất lượng sản phẩm;
  • Một số hành vi vi phạm của doanh nghiệp đang diễn ra gần đây làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng;
  • Người tiêu dùng khi bị xâm phạm quyền lợi thì phản ánh đến cơ quan nào để được bảo vệ, thủ tục như thế nào;
  • Ý kiến tham luận, xây dựng của doanh nhân, doanh nghiệp trong công tác phòng, chống, ngăn chặn buôn lậu hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại.

Diễn đàn “Chung tay chống hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại, bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng”. Nguồn: Sohuutritue.net

Tại diễn đàn, các chuyên gia đã chia sẻ rằng nguyên nhân thứ nhất tạo nên vấn nạn hàng giả hoành hành là do sự bất cập trong cơ chế quản lý. Có năm cơ quan hành chính xử lý các vấn đề về hàng giả song hoạt động rời rạc, thiếu kiểm soát, gắn kết nên các bên buôn lậu hàng giả, hàng lậu vẫn có khả năng lách qua các lỗ hổng quản lý, mang hàng giả tràn lan khắp thị trường.

Nguyên nhân thứ hai là chi phí giám định hàng giả, hàng lậu quá đắt, không phù hợp trong việc áp dụng hàng loạt trên các cửa khẩu quan trọng, điểm kiểm soát chất lượng hàng hóa sản phẩm hoặc các cuộc điều tra, rà soát thường xuyên.

Theo quy định của pháp luật thì chính đương sự vi phạm phải nộp khoản tiền giám định đó nhưng hầu như không có đương sự nào tự nguyện chịu nộp và việc cưỡng chế thi hành trong thực tế cũng khó khăn, phần lớn trường hợp không thể bắt được bên cầm đầu hoặc khoản tiền cần thiết để bồi thường không còn tồn tại.

Nguyên nhân cuối cùng và quan trọng nhất là sự tiếp tay của chính người tiêu dùng, ủng hộ đế chế hàng giả, hàng lậu vận hành tại Việt Nam.

Việc người tiêu dùng mua hàng hóa không quan tâm xuất xứ, nhãn hiệu thật giả mà chỉ quan tâm đến giá thành sản phẩm rẻ hay không đã tạo nên tình trạng hàng giả, hàng nhái có nguồn cầu đủ lớn để bất chấp, mạo hiểm sự vây bắt của các cơ quan có thẩm quyền.

Thậm chí, có trường hợp chính người tiêu dùng biết là hàng giả, hàng lậu nhưng không hề tố cáo mà còn mua nhiều sản phẩm lậu, giả mạo nhiều hơn, gián tiếp ảnh hưởng đến doanh nghiệp kinh doanh và sức khỏe của bản thân (đối với sản phẩm là thuốc, đồ ăn hoặc các loại sản phẩm tiêu thụ được).