Theo Điều 4.12 của Luật Sở hữu trí tuệ (Luật SHTT), sáng chế được định nghĩa là “một giải pháp kỹ thuật, dưới dạng một sản phẩm hoặc một quy trình, để giải quyết một vấn đề cụ thể bằng cách sử dụng các quy luật tự nhiên”. Theo quy định tại Điều 59, đối tượng sau đây sẽ không được bảo hộ dưới dạng sáng chế.

Các thủ tục liên quan đến bằng sáng chế tại Việt Nam

Các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế:

  1. Phát minh, lý thuyết khoa học, phương pháp toán học;
  2. Sơ đồ, kế hoạch, quy tắc và phương pháp để thực hiện các hoạt động trí óc, huấn luyện vật nuôi, thực hiện trò chơi, kinh doanh; chương trình máy tính;
  3. Cách thức thể hiện thông tin;
  4. Giải pháp chỉ mang đặc tính thẩm mỹ;
  5. Giống thực vật, giống động vật;
  6. Quy trình sản xuất thực vật, động vật chủ yếu mang bản chất sinh học mà không phải là quy trình vi sinh;
  7. Phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán và chữa bệnh cho người và động vật.

Luật SHTT quy định những phần mềm, phương pháp kinh doanh và phương pháp y tế sẽ không được bảo hộ; tuy nhiên, như theo Hướng dẫn thẩm định Sáng chế mới đây, chương trình máy tính cũng có thể được coi là một sáng chế nếu đủ điều kiện cấp bằng sáng chế khi chương trình đó có tính chất kỹ thuật và thực sự là một giải pháp kỹ thuật để giải quyết một vấn đề kỹ thuật bằng các phương tiện kỹ thuật. Chương trình phải có tiềm năng mang lại hiệu quả kỹ thuật vượt xa các tương tác vật lý thông thường giữa chương trình và máy tính. Đặc biệt, yêu cầu về chương trình máy tính có thể được chấp nhận nếu nó được soạn thảo dưới dạng ‘phương tiện máy tính có thể đọc được có chương trình máy tính được thể hiện trong đó’.

Quyền sở hữu bằng sáng chế

Điều 86 của Luật SHTT quy định rằng:

1. Tổ chức, cá nhân sau đây có quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí:

  • Tác giả tạo ra sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí bằng công sức và chi phí của mình;
  • Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác và thỏa thuận đó không trái với quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Chính phủ quy định quyền đăng ký đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra do sử dụng cơ sở vật chất – kỹ thuật, kinh phí từ ngân sách nhà nước.

3. Trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí thì các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký và quyền đăng ký đó chỉ được thực hiện nếu được tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý.

4. Người có quyền đăng ký quy định tại Điều này có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp đã nộp đơn đăng ký.

Theo quy định trên, quyền sở hữu đối với sáng chế do nhân viên công ty hoặc nhà thầu độc lập thực hiện thuộc về người sử dụng lao động hoặc người đã đầu tư kinh phí và cơ sở vật chất để tạo ra sáng chế. Nếu một sáng chế do các nhà đồng sáng chế hoặc liên doanh cùng nhau tạo ra thì quyền sở hữu sáng chế sẽ thuộc về các nhà đồng sáng chế hoặc các cá nhân hoặc công ty lựa chọn tham gia liên doanh và quyền đó chỉ được thực hiện khi có sự đồng thuận của họ.

Quyền sở hữu bằng sáng chế được nhà nước ghi nhận bằng việc cấp bằng sáng chế. Quyền sở hữu đối với bằng sáng chế đã được cấp có thể được chuyển giao bằng thỏa thuận chuyển nhượng với hợp đồng dưới dạng văn bản (Điều 138 Luật SHTT).

Thời gian và chi phí cấp bằng sáng chế

Thông thường sẽ mất khoảng ba năm kể từ ngày nộp đơn hoặc bước vào giai đoạn quốc gia để chủ sở hữu được cấp bằng sáng chế. Thời gian chờ đợi có thể được rút ngắn đáng kể nếu người nộp đơn cung cấp cho Cục Sở hữu trí tuệ (NOIP) thông tin liên quan đến các đơn đăng ký sáng chế tương ứng ở các quốc gia khác.

Mặt khác, thủ tục thẩm định sẽ kéo dài nếu sáng chế thuộc lĩnh vực dược phẩm hoặc công nghệ sinh học và chưa có cuộc thẩm định nào được tiến hành tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, các nước Châu Âu, v.v. mà người thẩm định tại Việt Nam có thể tham khảo.

Thông thường, người nộp đơn cần trả khoản chi phí khoảng 2.500 đô la Mỹ để có được bằng sáng chế, với đơn đăng ký sáng chế theo Công ước Paris hoặc đơn đăng ký sáng chế quốc tế, với 30 trang bản mô tả sáng chế và hai yêu cầu bảo hộ độc lập.

Thực hiện nhanh các thủ tục liên quan đến bằng sáng chế

Người nộp đơn đăng ký sáng chế có thể nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ yêu cầu thẩm định nhanh, với điều kiện phải trả thêm phí; tuy nhiên, do số lượng đơn đăng ký tồn đọng lớn tại Cục SHTT nên những yêu cầu như vậy hiếm khi được chấp nhận.

Về chương trình Thẩm định nhanh đơn đăng ký bằng sáng chế (PPH), Cục SHTT đã ký chương trình PPH với Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO) và Cơ quan Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO); tuy nhiên, số lượng yêu cầu PPH hàng năm từ JPO chỉ là 200 và từ KIPO chỉ là 100.

Việc nộp các bằng sáng chế tương ứng được cấp bởi Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ, JPO, KIPO hoặc Văn phòng Sáng chế Châu Âu sẽ đẩy nhanh quá trình thẩm định đơn đăng ký sáng chế.

Nội dung đơn đăng ký sáng chế

Điều 102 của Luật Sở hữu trí tuệ (Luật SHTT) quy định những yêu cầu đối với bản mô tả trong đơn đăng ký sáng chế ‘ Bộc lộ đầy đủ và rõ ràng bản chất của sáng chế đến mức căn cứ vào đó người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể thực hiện được sáng chế đó; và ‘Làm rõ tính mới, trình độ sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp của sáng chế.’

Theo quy định của Luật SHTT, phạm vi bảo hộ của sáng chế sẽ được xác định bởi các yêu cầu bảo hộ, dưới hình thức tổng hợp các tính năng kỹ thuật cần thiết và đủ để xác định phạm vi quyền đối với sáng chế đó và phải phù hợp với với bản mô tả của sáng chế và các bản vẽ. Các yêu cầu bảo hộ phải được hỗ trợ đầy đủ với bản mô tả. Bản mô tả thường bao gồm các phần như sau:

  • tên của sáng chế;
  • lĩnh vực kỹ thuật được đề cập;
  • tình trạng kỹ thuật của sáng chế;
  • bản chất kỹ thuật của của sáng chế;
  • mô tả vắn tắt các hình vẽ;
  • mô tả chi tiết về sáng chế;
  • ví dụ thực hiện sáng chế;
  • hiệu quả của sáng chế.
  • yêu cầu bảo hộ
  • bản tóm tắt sáng chế

Phản đối đơn đăng ký sáng chế

Điều 112 của Luật SHTT quy định rằng, kể từ ngày đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp đến trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền có ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp về việc cấp hoặc không cấp văn bằng bảo hộ đối với đơn đó. Ý kiến phải được lập thành văn bản kèm theo các tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh.

Sửa đổi và thẩm định lại bằng sáng chế

Trong thời hạn hiệu lực của bằng độc quyền sáng chế, chủ sở hữu bằng sáng chế có thể nộp đơn yêu cầu sửa đổi bằng sáng chế bằng cách hủy bỏ một hoặc nhiều yêu cầu bảo hộ trong bằng sáng chế. Bất kỳ bên thứ ba nào cũng có thể nộp đơn yêu cầu chấm dứt hiệu lực bằng sáng chế nếu bằng sáng chế đã được cấp trái pháp luật. Bằng sáng chế có thể bị chấm dứt hiệu lực nếu chủ sở hữu không còn tồn tại, không trả phí duy trì hoặc từ bỏ bằng sáng chế của mình.

Trong một vụ kiện, tòa án có thể tuyên bố một yêu cầu bảo hộ hợp lệ hoặc không hợp lệ nhưng không thể sửa đổi các yêu cầu bảo hộ đó với một bằng sáng chế bị đang bị phản đối. Theo quy định tại Điều 117 (4) của Luật SHTT và mục 16 của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN, chỉ có thể yêu cầu thẩm định lại đối với các đơn đăng ký sáng chế đang chờ xét duyệt. Cụ thể, đơn đăng ký sáng chế sẽ được thẩm định lại khi bên thứ ba hoặc người nộp đơn phản đối thông báo về việc cấp hoặc thông báo về việc từ chối cấp bằng độc quyền sáng chế của Cục SHTT.

Thời hạn bằng sáng chế

Thời hạn hiệu lực của Bằng độc quyền sáng chế là 20 năm, còn thời hạn của Bằng độc quyền giải pháp hữu ích là 10 năm, tính từ ngày nộp đơn.