Tháng cuối năm 2022, Cục Sở hữu trí tuệ đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội thảo “Những giải pháp hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu tiềm năng”.
Hội thảo “Những giải pháp hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu tiềm năng” là một trong các hoạt động nhằm triển khai Kế hoạch phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2022 – 2025 giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.
Tham dự hội thảo là hơn 100 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý Nhà nước, các Hiệp hội, doanh nghiệp, các tổ chức đại diện và tổ chức, cá nhân quan tâm đến từ các tỉnh miền Trung và miền Nam.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang có nhu cầu đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý quốc tế. Tuy nhiên, kiến thức về 2 phương thức đăng ký trên vẫn còn hạn chế. Làm thế nào để có thể tiết kiệm công sức, tiền bạc cũng như đạt được độ hiệu quả cao là bài toán khó cho nhiều doanh nghiệp.
Lí giải về nhu cầu đăng ký của Việt Nam, ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết rằng trong bối cảnh hội nhập quốc tế, ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam mở rộng hoạt động sản xuất, xuất khẩu sang nước ngoài.
Tuy nhiên, hàng hóa đi sau nhãn hiệu, thương hiệu đi trước là một yếu tố cơ bản dẫn đến thành công. Chính vì vậy mà các doanh nghiệp trước khi đặt chân đến các thị trường trọng điểm trên có nhu cầu đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ nguồn gốc chỉ dẫn địa lý của Việt Nam.
Để giúp đỡ doanh nghiệp, các cơ quan quản lý của Trung ương cũng như địa phương cần nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc phổ cập thông tin, kiến thức cũng như lưu ý quan trọng về quy trình đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý quốc tế.
Chính vì vậy, việc tổ chức Hội thảo “Những giải pháp hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu tiềm năng” tuân theo định hướng từ Nghị quyết 48/NQ-CP ngày 06/5/2021 trong Phiên họp thường kỳ tháng 4/2021 của Chính phủ có ý nghĩa thực tiễn quan trọng, góp phần thúc đẩy việc mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài.
Tiền Giang
Hội thảo được tổ chức tại Tiền Giang, địa phương với thế mạnh là vựa trái cây của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nhận thức được tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ trong việc phát triển nông sản đặc trưng của vùng, cơ quan quản lý tỉnh Tiền Giang đã triển khai nhiều hoạt động đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ tại Việt Nam.

Với 29 sản phẩm nông sản chủ lực có lợi thế, tỉnh Tiền Giang đã đăng ký bảo hộ 2 chỉ dẫn địa lý, 20 nhãn hiệu tập thế và 7 nhãn hiệu chứng nhận. Tiếp tới, tỉnh đặt trọng tâm vào việc đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của Việt Nam ra các thị trường xuất khẩu tiềm năng trên thế giới.