Khi thế giới phát triển, nhu cầu xây dựng những thiết bị, công trình đồ sộ ngày càng trở nên nhiều hơn, đặc biệt trong bối cảnh công cuộc khám phá vũ trụ đang được săn đón hơn bao giờ hết. Ai ai cũng muốn đặt một dấu ấn trên vũ trụ này, tuy nhiên, để tạo nên một con tàu tối tân khám phá đại dương hư vô kia không phải một vấn đề đơn giản. Không chỉ kinh phí mà hiện tại, để có thể xây dựng một con tàu vũ trụ hùng mạnh cần có những miếng kim loại cũng mạnh mẽ không kém. Qua đó, để phục vụ cho kỷ nguyên mới của con người, NASA đã sáng chế ra loại hợp kim tăng độ bền gấp 1.000 lần những hợp kim hiện đại nhất thế giới hiện tại.

Loại hợp kim có độ bền gấp 1.000 lần những hợp kim hiện đại nhất thế giới có tên gọi là hợp kim GRX-810.

Theo thông tin chính thức của NASA thì tổ chức này cho biết loại hợp kim này được tạo nên thông qua phương pháp mô hình hóa kết hợp với in 3D, có thể chịu mức nhiệt hơn 1.000 độ C.

Buồng đốt động cơ turbine được in 3D bằng hợp kim GRX-810 tại Trung tâm Nghiên cứu Glenn thuộc NASA. Ảnh: NASA

Theo tờ báo Interesting Engineering, NASA sáng chế ra loại hợp kim mới có độ bên gấp 1.000 lần những hợp kim hiện đại nhằm mục đích sử dụng trong hàng không vũ trụ và thám hiểm không gian.

Bởi lẽ, khám phá vũ trụ lạnh lẽo cần những con tàu mạnh mẽ nhất. Qua đó, nếu muốn xây những con tàu mạnh mẽ có thể chống chịu được nhiệt độ kinh khủng của không gian thì những tấm kim loại, vật liệu có thể chịu được điều kiện lạnh giá ngoài vũ trụ là điều không thể thiếu.

Với vật liệu mang tên GRX-810, NASA đã có thể đạt được mục tiêu này.

Hợp kim siêu mạnh chưa từng xuất hiện trong lịch sử

GRX-810 thuộc loại hợp kim tăng cường phân tán oxide (ODS), có thể chống chọi với những điều kiện cực kỳ khắc nghiệt trước khi đạt tới điểm nứt gãy.

Loại hợp kim tân tiến này được NASA sử dụng phương pháp mô hình hóa vật liệu để tìm ra trong số vô vàn cách kết hợp kim loại.

Phương pháp này là phương pháp cải thiện so với cách tìm truyền thống của NASA hồi xưa, tương tự như nhà khoa học Thomas Alva Edison, thông qua thử nghiệm liên tục và sửa lỗi.

Tuy nhiên, với nền khoa học hiện tại, chỉ cần mô phỏng trên máy tính tân tiến là các nhà khoa học đã có thể tìm ra kết quả phù hợp nhất với dự định của mình.

Phương pháp mô hình hóa cho phép NASA tìm được thành phần lý tưởng của hợp kim chỉ sau khoảng 30 lần mô phỏng.

Hợp kim mới có thể chịu được mức nhiệt lên tới 1.093 độ C. Tại mức nhiệt kinh khủng này, nó có khả năng chống gãy tăng gấp đôi, độ mềm dẻo và dễ uốn tăng gấp 3,5 lần, độ bền khi chịu áp lực ở nhiệt độ cao tăng gấp 1.000 lần so với các hợp kim hiện nay.