Việt nam luôn là miền đất sinh ra những ‘con rồng cháu tiên’, những cá nhân tài năng tràn đầy sáng tạo. Mới đây, một trong những con dân đất Việt đã thành công chế tạo nên thiết bị IoT giúp đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường – một liều thuốc an thần kịp thời cho tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng trên khắp lãnh thổ hình chữ S này.

Đo lường mức độ ô nhiễm không khí

Vị tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình 35 tuổi giảng dạy ở trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP HCM, chính là vị tiến sĩ trẻ thiên tài đã cùng với các cộng sự của mình để sáng chế nên thiết bị IoT có thể thu thập 6 chất giúp đưa ra đánh giá mức độ ô nhiễm chính xác tới 94%.

Tuy nhiên, điều đặc biệt là thiết bị này không chỉ đơn giản là một thiết bị vô tri. Nó thậm chí có thể được ‘dạy’ cách đo ô nhiễm môi trường.

Công trình này được TS Nguyễn Thanh Bình và các cộng sự nghiên cứu trong một thời gian dài với tên gọi “Multi-source Machine Learning for AQI Estimation”.

Công trình “Multi-source Machine Learning for AQI Estimation” tập trung vào khía cạnh tiếp cận máy học để dự đoán mức độ ô nhiễm không khí trong thành phố lớn.

Thiết bị này có khả năng căn cứ vào các thông tin được cung cấp như thời gian, địa điểm, dữ liệu hình ảnh từ vị trí người dùng, thông tin độ ẩm, nhiệt độ, phản hồi người dùng… ở nhiều quốc gia trên thế giới để đưa ra thông tin ước lượng chỉ số AQI (Air Quality Index – chỉ số báo cáo chất lượng không khí) với tỉ lệ chính xác cực cao.

Multi-source Machine Learning for AQI Estimation

Với thiết bị này, người dùng tham gia giao thông trên phố sẽ có cơ sở rõ ràng hơn để biết được về tình trạng không khí hôm nay, từ đó biết được cần phải chuẩn bị gì trước hoặc trong khi tham gia giao thông.

Nhóm xây dựng ứng dụng trên điện thoại đồng thời chế tạo một thiết bị IoT để thu thập dữ liệu. Đây là hộp chứa các cảm biến khác nhau có thể thu 6 chất ô nhiễm PM2.5, PM10, NO2, CO, SO2, và O3, cùng các thông tin liên quan đến nhiệt độ và độ ẩm.

Được biết, thiết bị cảm biến đặt trên xe máy, thu dữ liệu ở các tuyến đường vào các thời điểm khác nhau tại 9 quận huyện thuộc TP HCM.

Tiến sĩ 4 bằng sáng chế dạy máy học đo ô nhiễm môi trường
Tiến sĩ Việt chế tạo thiết bị IoT giúp đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường. Ảnh: NVCC

TS Bình cho biết về thiết bị này của nhóm: “Các thông số thu thập từ sáu chất ô nhiễm trên sẽ cho thông tin chỉ số AQI thực tế tại từng địa điểm thu thập khi xe máy di chuyển. Dựa vào đó, nhóm xây dựng mô hình dự đoán mức độ ô nhiễm. Kết quả thực nghiệm trên dữ liệu thu thập được cho thấy, mô hình có độ chính xác lên tới 94%.”

TS Bình cho biết rằng thiết bị này của nhóm sẽ có nhiều lợi ích cho xã hội và người dân bởi lẽ hiện nay có rất ít các cột đo mức độ ô nhiễm rải rác khắp lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời, các cột đó cũng tốn nhiều chi phí xây dựng, vận hành và duy trì.

Qua đó, nếu có một thiết bị cho phép người sử dụng đo mức độ ô nhiễm ở bất cứ nơi nào họ di chuyển sẽ giúp đỡ cho người dân rất nhiều: “Nếu có giải pháp hỗ trợ người dân đánh giá mức độ ô nhiễm cục bộ tốt, chúng ta có thể phát triển thành ứng dụng phục vụ cộng đồng.”

Kết quả nghiên cứu đã được chấp nhận báo cáo tại hội nghị IEEE Big Data và xuất bản đầu năm nay.