Thương mại hóa tài sản trí tuệ (TSTT) là một điều kiện tất yếu để thúc đẩy phát triển kinh tế của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Thực tế đã chỉ ra rằng, thương mại hóa TSTT còn là công cụ, động lực cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, đặc biệt là đối với khối doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc lắng nghe những kinh nghiệm “chọn đúng người, đúng thời điểm” hay cách tận dụng các nguồn lực trong quá trình thương mại hóa tài sản trí tuệ của những người từng trải mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp.

Để có được các bước đi phù hợp trong việc thương mại hóa tài sản trí tuệ (TSTT), chủ sở hữu quyền cần nắm vững một số khái niệm rất quan trọng trong quá trình này như: phân tích thị trường, kiểm toán TSTT, định giá TSTT…

Thương mại hóa tài sản trí tuệ: Động lực để đẩy mạnh phát minh, sáng tạo

Phân tích thị trường

Để đảm bảo thương mại hóa thành công TSTT cần phân tích thị trường thật tốt, tức là cần thực hiện việc phân tích ở tất cả các thị trường nơi sản phẩm hoặc dịch vụ mới sẽ được thương mại hóa. Thuật ngữ “thị trường” được dùng để chỉ cả thị trường địa lý là quốc gia nơi bạn muốn thương mại hóa các sản phẩm/dịch vụ cũng như nhu cầu của khách hàng, sự tồn tại của đối thủ cạnh tranh hoặc sản phẩm thay thế, v.v.

Kiểm toán thương mại hóa tài sản trí tuệ

Kiểm toán SHTT là hoạt động xem xét có hệ thống tất cả các quyền sở hữu trí tuệ (cho dù đã đăng ký hoặc không) mà chủ sở hữu sử dụng đã mua lại từ một bên thứ ba, hoặc có thể nhận li-xăng từ bên thứ ba.

Định giá tài sản trí tuệ

Định giá TSTT là một quá trình xác định giá trị bằng tiền của các quyền SHTT. Các quyền SHTT như vậy đôi khi có thể là thành phần có giá trị nhất của doanh nghiệp và không nên bị đánh giá thấp hoặc coi thường. Chỉ cần xem xét sự khác biệt giữa giá trị của một chai chất lỏng màu sẫm để tiêu thụ không có nhãn hiệu với một chai khác có cùng một chất lỏng khi chai mang nhãn hiệu Coca Cola® hoặc Pepsi®.

Đây chỉ là một ví dụ nhỏ về sự nổi bật và rất cụ thể giá trị của một cái tên, một nhãn hiệu, một kiểu dáng, mà có lẽ bạn đã bắt nguồn từ đó và gửi gắm vào đó đầu tư tài chính, đam mê, năng lượng và sự thăng tiến – dẫn đến nó có giá trị – và từ đó bạn, và chỉ bạn, bây giờ có quyền thu được lợi ích.

Tài trợ và huy động vốn bằng cách sử dụng các quyền SHTT

Một trong số các vấn đề lớn mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên thế giới phải đối mặt là khả năng tiếp cận các nguồn vốn để tài trợ việc kinh doanh của họ, đặc biệt khi họ vừa mới bắt đầu và chưa có hồ sơ thương mại thành công.

Hiện nay, ngày càng nhiều ngân hàng và tổ chức tài chính chấp nhận quyền SHTT như một hình thức đảm bảo cho các khoản vay của khách hàng của mình. Tương tự, ngày càng nhiều nhà đầu tư chú ý đến danh mục sở hữu trí tuệ của một công ty trước khi đầu tư. Nói cách khác, nếu bạn sở hữu một số quyền SHTT, bạn có thể sử dụng chúng làm tài sản thế chấp để nhận được một khoản vay từ ngân hàng, các ngân hàng và nhà đầu tư tiềm năng sẽ phải định lượng giá trị quyền sở hữu trí tuệ của bạn, đặc biệt là về doanh thu trong tương lai có thể có được từ các TSTT khi được thương mại hóa.

Kinh nghiệm về thương mại hóa sáng chế

Vừa qua, trong hội thảo trực tuyến “Thách thức trong thương mại hóa sáng chế và các tài sản trí tuệ” vào cuối tháng chín vừa qua, thuộc khuôn khổ Techfest năm 2021, các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm về việc thương mại hóa sáng chế và cho rằng “sáng chế phải đúng thời điểm”.

Hội thảo trực tuyến “Thách thức trong thương mại hóa sáng chế và các tài sản trí tuệ”

Bí quyết của sáng chế

Việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ là một trong những bước đầu tiên để bắt đầu hành trình thương mại hóa tài sản trí tuệ. Nguyễn Thanh Mỹ: “Đây là việc hoàn toàn nên làm, đặc biệt là đối với các công ty khởi nghiệp. Bên cạnh việc được pháp luật bảo vệ, việc đăng ký bảo hộ sáng chế sẽ giúp việc gọi vốn đầu tư thuận lợi hơn. Chẳng hạn khi bạn có sáng chế về công nghệ và muốn gọi vốn, người làm tài chính thường sẽ không biết nhiều về công nghệ nên sẽ khó hiểu và có thể nghi ngờ, nhưng nếu có bằng bảo hộ sáng chế, họ sẽ hiểu ngay là mình có công nghệ”.

Đặc biệt doanh nghiệp cần chọn đúng nơi để đăng ký. “Bằng bảo hộ sáng chế mang tính lãnh thổ, do vậy, mình phải chọn thị trường nào mình muốn làm ăn để đăng ký, hoặc nơi nào có đối thủ cạnh tranh lớn thì mình đăng ký trước. Nếu không lựa chọn mà đăng ký tràn lan thì sẽ khá tốn kém, nhất là với những công ty khởi nghiệp còn non trẻ”, TS. Nguyễn Thanh Mỹ cho biết.

Ở mỗi quốc gia khác nhau sẽ có các quy định khác nhau về bảo hộ sáng chế. Điều tối quan trọng là phải “giấu” được bí quyết kỹ thuật trong bản mô tả sáng chế. Đặc biệt là với những sáng chế liên quan đến quy trình sản xuất, “khi viết chúng ta phải rất cẩn thận, đừng tiết lộ nhiều quy trình sản xuất, thì nó sẽ được bảo hộ rất kĩ càng và thành công”, TS. Nguyễn Thanh Mỹ cho biết.

Hình thức khai thác phù hợp

Quá trình theo đuổi và có được bằng sáng chế vốn đã không dễ dàng, nhưng ngay sau đó doanh nghiệp còn phải đối mặt với bài toán làm thế nào để khai thác chúng. “Có rất nhiều hình thức khai thác tài sản trí tuệ, có thể chọn chiến lược tự khai thác (doanh nghiệp tự sản xuất, kinh doanh) hoặc không tự khai thác như chuyển nhượng (mua bán tặng cho sáp nhập…) hoặc chuyển giao quyền sử dụng (li xăng, góp vốn, chuyển giao công nghệ, nhượng quyền thương mại,…)”, ông Trần Giang Khuê, Trưởng Làng sáng chế và Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thuộc Techfest 2021 cho biết. Việc lựa chọn hình thức khai thác sẽ tùy thuộc vào năng lực và điều kiện của mỗi doanh nghiệp.

Nếu chuyển giao sáng chế, điều quan trọng là “doanh nghiệp phải tìm đúng đối tác để chuyển giao”, TS. Nguyễn Thanh Mỹ cho biết. “Đúng” ở đây có nghĩa là đối tác sẵn sàng nhận chuyển giao công nghệ sòng phẳng chứ không tìm cách lợi dụng. Chẳng hạn với sáng chế in offset, TS. Nguyễn Thanh Mỹ đã tìm đến những doanh nghiệp lớn. Theo kinh nghiệm của ông,“nên chọn đối tác chuyển giao là những doanh nghiệp lớn chứ đừng lựa nhỏ, vì đa phần các công ty nhỏ thường sẽ tìm cách reverse engineer – phân tích ngược sáng chế của mình”.

Sau khi có đối tác, doanh nghiệp cũng phải cân nhắc cách thức chuyển giao cụ thể như thế nào, trả một lần hoặc nhiều lần bằng tiền hoặc hàng hóa,… để thu được lợi ích cao nhất. Chẳng hạn, với sáng chế in offset, TS. Nguyễn Thanh Mỹ đã chuyển giao công nghệ và cung cấp nguyên liệu sản xuất cho đối tác trong vòng 20 năm và thu được 270 triệu USD. Tuy nhiên, khi chuyển giao một sáng chế khác là mực in 3D, ông lại lựa chọn hình thức trả tiền một lần với trị giá 1,25 triệu USD vì “theo đó mình đã lời hơn phân nửa rồi”.

Sự hỗ trợ từ bên ngoài kết hợp với nội lực của doanh nghiệp là yếu tố quan trọng để triển khai ứng dụng những sáng chế sẵn có cũng như ươm mầm những sáng chế mới. “Hiện nay, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ của Sở KH&CN TP.HCM để nghiên cứu phát triển dự án hố ga COVID-19, góp phần hỗ trợ hoạt động thu thập phân tích nước thải để truy vết virus gây ra dịch COVID-19 đang lan tràn hiện nay”, ông Thân Thế Hào nói.