Khi thế giới điện tử, thế giới mạng ngày càng phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, việc bảo hộ thương hiệu của cá nhân, tổ chức trên không gian ảo như Metaverse cũng ngày càng trở nên cấp thiết để đảm bảo quyền lợi của mình.
Theo quy luật tự nhiên, khi một lĩnh vực, yếu tố nào đó đạt được sự phát triển cấp tốc, trở nên ngày càng quan trọng trong xã hội, thu hút được lượng lớn người tham dự, sử dụng thì các biện pháp cần thiết để hạn chế hoạt động của các lĩnh vực, yếu tố đó cũng trở nên ngày càng quan trọng.
Không đề cập đến các vấn đề đặc biệt cấp thiết như bạo lực, buôn bán chất cấm,… thì việc ngăn chặn, hạn chế các hoạt động trên không giao ảo cũng là quan trọng để đảm bảo lợi ích của chủ sở hữu thương hiệu, nhãn hiệu.
Điều này là bởi vì với lượng người dùng, người tham gia tăng theo cấp số nhân mỗi ngày, việc giao tiếp trên các nền tảng trực tiếp thông thường như ngày xưa đã ngày càng ít đi. Thay vào đó, việc kết nối trực tuyến giữa người với người trên không gian mạng qua các avatar, nhân vật ảo ngày càng xuất hiện nhiều hơn.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đằng sau các avatar hoạt hình, dễ thương đó chính là một con người thật sự. Qua đó, họ có thể đánh giá những thứ xuất hiện trước mắt họ và tác động đến quyết định mua hàng, chi tiêu của họ, cả trên không gian mạng lẫn không gian thực.
Ví dụ, nếu một người tiến vào Metaverse hoặc thậm chí là các nền tảng mạng xã hội thông thường hiện nay như Facebook, Instagram, Twitter,… và liên tục nhận được các lời mời mua hàng từ các thương hiệu thì việc tiếp cận đó có thể khiến họ mua hoặc chối bỏ thương hiệu đó.
Tại sao lại chối bỏ? Bởi lẽ hiện nay, không chỉ hành vi đánh cắp thương hiệu có thể trục lợi mà hành vi giả mạo thương hiệu, tạo ra các thông tin xấu, độc hại nhằm làm giảm uy tín của thương hiệu đó cũng đã diễn ra thường xuyên. Đó là một trong nhiều thủ đoạn không chính thống, bất hợp pháp tài trợ bởi chính các công ty đối thủ của thương hiệu.
Những hành vi này hiện nay chủ yếu xuất hiện trên không giao ảo, thế giới ảo mà phần lớn chủ sở hữu thương hiệu vẫn còn hạn chế tiếp cận. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của mình và ứng phó với các sự xâm phạm này, chủ sở hữu thương hiệu cần thay đổi nhận thức, chủ động tham gia và tìm kiếm sự bảo hộ, trợ giúp pháp lý cho thương hiệu của mình trên lĩnh vực mới này, tương tự như những điều mà các chủ sở hữu thương hiệu đã làm trước đây 50 – 60 năm với sự xuất hiện của thuật ngữ ‘Internet’.
Khái niệm pháp lý về thế giới ảo
Không chỉ tại Việt Nam mà xét trên quy mô toàn cầu thì các khái niệm pháp lý quy định chặt chẽ về thế giới ảo, không gian ảo vẫn còn rất hạn chế như tại Pháp có quy định về NFT trong Bộ luật Tài chính tiền tệ.
Tại Hoa Kỳ, dù chưa có một bộ quy định pháp lý riêng về Metaverse. Tuy nhiên, các quy định pháp lý hiện hành về Sở hữu trí tuệ, thuế và an ninh mạng cũng đã được áp dụng trong Metaverse.
Việc chưa có quy định hoàn chỉnh nào về không gian ảo, thế giới ảo cũng là điều hợp lí khi xét thấy rằng khái niệm này vẫn còn lạ lẫm đối với toàn thể các quốc gia. Để luật hóa quy định về Metaverse có tầm vóc toàn cầu thì việc soạn thảo, đưa ra một bộ luật toàn cầu là cần thiết.
Để làm được điều đó cần nỗ lực không chỉ của một quốc gia mà của gần như tất cả các quốc gia tập hợp lại, như sự đồng ý của 136 quốc gia với chính sách thuế tối thiểu toàn cầu của OECD năm 2021 chiếm 90% sức mạnh kinh tế toàn cầu.
Metaverse có thể sẽ còn phức tạp hơn vậy. Nếu một bộ luật như vậy được tạo thành, không rõ có những tổ chức quốc tế nào sẽ tham gia nhưng gần như có thể chắc chắc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO sẽ là một bên tham gia, đưa ra các đóng góp chặt chẽ về sở hữu trí tuệ, thương hiệu, nhãn hiệu, cách xử lý vi phạm trên nền tảng thế giới ảo như xâm phạm thương hiệu, nhãn hiệu, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của chủ sở hữu thương hiệu, quy đổi các thiệt hại vô hình thành con số thực tế,…
Định nghĩa về Metaverse
Metaverse là một thuật ngữ được sử dụng để miêu tả một thế giới ảo, trong đó người dùng có thể tương tác với nhau thông qua các thiết bị kỹ thuật số như máy tính, điện thoại, kính thực tế ảo, v.v.
Metaverse là một khái niệm được phát triển từ các trò chơi trực tuyến và thế giới ảo như Second Life, VRChat, Minecraft, v.v. Tuy nhiên, Metaverse được xem là một phiên bản tiên tiến hơn của các thế giới ảo trước đó, nơi người dùng có thể tạo ra và quản lý các đối tượng và nội dung, tham gia vào các hoạt động và trò chơi, và tương tác với những người dùng khác nhau trong một không gian sống động và liên tục.
Metaverse có tiềm năng trở thành một công nghệ tiên tiến, mang đến những trải nghiệm tương tác mới cho người dùng, cũng như cơ hội kinh doanh và tiếp thị cho các doanh nghiệp. Nó cũng có thể tạo ra các thách thức mới liên quan đến quản lý và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong không gian số.
Các sự kiện nổi bật về thương hiệu trên thế giới ảo
Dù chưa có quy định chính thức nhưng các lĩnh vực xung quanh thương hiệu, nhãn hiệu đã dần được các tổ chức chủ trương triển khai trên thế giới ảo, xét rằng nền tảng này sẽ đạt được nhận thức cao trong cộng đồng.
Một số sự kiện đáng chú ý có thể kể đến bao gồm việc:
Vào tháng 10 năm 2021, The Sandbox, một nền tảng Metaverse dựa trên công nghệ blockchain, đã thông báo về kế hoạch phát hành một loạt các đất nền (land parcels) cho người dùng. Để bảo vệ quyền lợi của người sở hữu đất nền, The Sandbox đã cung cấp cho họ công cụ đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu để đảm bảo các vật phẩm và nội dung được tạo ra trên đất nền của họ được bảo vệ bởi quyền sở hữu trí tuệ.
Cuối năm 2021, Công ty Nike đăng ký hàng loạt nhãn hiệu tại Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO) để dùng trong thế giới ảo Metaverse như bước đầu tiên trong loạt chiến lược Marketing để ra mắt nền tảng thương mại Swoosh chuyên buôn bán đa dạng các loại sản phẩm trên không gian ảo.
Năm 2022, Decentraland, một nền tảng Metaverse khác dựa trên công nghệ blockchain, đã phát hành một đoạn video hướng dẫn cho người dùng về cách đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu trên nền tảng của họ. Decentraland cũng cung cấp cho người dùng một công cụ đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của họ đối với các vật phẩm và nội dung được tạo ra trên nền tảng của Decentraland.
EUIPO và WIPO một thời gian trước cũng đã hợp tác với nhau để ban hành hướng dẫn đăng ký liên quan tới hàng hóa dịch vụ trên thế giới ảo, bao gồm các nền tảng Metaverse như Decentraland, Somnium Space, Cryptovoxels và nhiều nền tảng Metaverse khác.
Theo EUIPO, các sản phẩm “ảo” phải được đăng ký ở nhóm số 9 trong bảng phân loại Nice (Có tổng cộng 45 nhóm) vì đây là những nội dung hoặc hình ảnh số. Khi đăng ký cần chỉ rõ tên và mô tả sản phẩm, các đơn đăng ký ghi khái niệm chung chung sẽ không được xét duyệt thông qua. Điều này được áp dụng ở cả trên thực tế lẫn thực tế ảo.
WIPO cũng đã đưa ra Bảng phân loại hàng hóa dịch vụ Nice phiên bản thứ 12, có hiệu lực từ đầu năm 2023. Theo đó, NFT thuộc về nhóm số 9 – “sản phẩm ảo”. Riêng đối với các “dịch vụ ảo”, chủ sở hữu có thể đăng ký nhãn hiệu ở nhóm 35 hoặc 41, liên quan tới “dịch vụ giải trí trong môi trường ảo để trao đổi hàng hóa ảo”.
Việc ban hành các hướng dẫn, phương pháp đăng ký bảo hộ thương hiệu được giới chuyên gia và cộng đồng người dùng Metaverse đánh giá cao, gia tăng ý thức chung của cộng đồng về các lĩnh vực liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ và quan trọng hơn cả là dán một khái niệm khó cải biến vào trong tâm trí của họ rằng không gian ảo cũng chịu quy định bởi Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định pháp luật khác.
Qua đó, không phải rằng họ sử dụng một avatar ảo là có thể miễn các trách nhiệm pháp lý, đặc biệt liên quan đến các vấn đề quan trọng như lên án, bôi nhọ danh dự của bên khác trên không gian ảo dần trở thành quốc nạn của nhiều quốc gia sử dụng nền tảng Metaverse hiện nay.