Chiều 26/10, tại Kỳ họp thứ 2, các đại biểu Quốc hội khóa XV thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Cuộc họp đặt ra vấn đề cho các tỉnh thành phố trên cả nước là phải quản lý làm sao cho hiệu quả để thực sự nâng cao giá trị của chỉ dẫn địa lý được bảo hộ.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật SHTT nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nhanh, bền vững dựa chủ yếu vào khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đồng thời đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam hiện nay.

Đối với chỉ dẫn địa lý, việc sửa đổi, bổ sung Luật lần này tiếp tục theo quy định của Nhà nước là trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho tổ chức, cá nhân tiến hành việc sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý tại địa phương tương ứng và đưa sản phẩm đó ra thị trường. Nhà nước trực tiếp thực hiện quyền quản lý chỉ dẫn địa lý hoặc trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý cho tổ chức đại diện quyền lợi của tất cả các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý; giao cho Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn việc thực hiện quyền quản lý chỉ dẫn địa lý.

Các đại biểu thảo luận tại Hội trường Quốc hội ngày 26/10. Ảnh: quochoi.vn

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, sẽ có tác động, khuyến khích được các tổ chức, cá nhân là tác giả, chủ nhiệm các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước đăng ký các sáng chế, góp phần đẩy nhanh việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu để áp dụng vào sản xuất và đời sống.

Quản lý hiệu quả các chỉ dẫn địa lý được bảo hộ

Đại biểu Nguyễn Văn Thi, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang, rất quan tâm tới việc sửa đổi, bổ sung quy định đối với việc đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí và việc khai thác, sử dụng và bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với một số hàng hóa nông sản.

Đại biểu Bắc Giang cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh hiện có 3 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý là: Vải thiều Lục Ngạn, Na dai Lục Nam, Sâm nam núi Dành; 4 nhãn hiệu chứng nhận và 66 nhãn hiệu tập thể. Tại Bắc Giang, hằng năm có đến gần 50% các nhiệm vụ khoa học sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Vải thiều Lục Ngạn được trao bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản

Đại biểu Nguyễn Văn Thi cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ lần này sẽ tạo điều kiện cho các địa phương, trong đó có tỉnh Bắc Giang quản lý, khai thác có hiệu quả hơn các chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ, nhất là việc tiếp tục mở rộng đăng ký và thực hiện quyền được bảo hộ chỉ dẫn địa lý của địa phương tại một số quốc gia, khu vực trên thế giới.

Thúc đẩy việc khai thác và thương mại kết quả nghiên cứu khoa học

Đại biểu Nguyễn Văn Thi cơ bản đồng ý với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, theo Tờ trình của Chính phủ. Trong đó, dự luật sửa đổi 80 điều, bổ sung 12 điều, bãi bỏ 2 điều; sửa đổi một số điều của luật khác có liên quan. Dự án Luật đã giải quyết được một số vấn đề bất cập của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành trên cả 3 lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Mặt khác, việc sửa đổi để đảm bảo thực hiện cam kết các điều ước quốc tế, nhất là đối với việc đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); các Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh và Bắc Ai-len.

Đại biểu Nguyễn Văn Thi cho rằng, quan hệ sở hữu trí tuệ là quan hệ dân sự có tính chất đặc thù; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể quan hệ sở hữu trí tuệ, mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến quyền lợi của người tiêu dùng, toàn xã hội và ảnh hưởng đến trật tự quản lý hành chính nhà nước. Do đó, việc thu hẹp phạm vi các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt bằng biện pháp hành chính với lý do đây là quan hệ dân sự như nêu trong Tờ trình của Chính phủ, là chưa thuyết phục cả về cơ sở lý luận và thực tiễn.

Việc sửa nội dung liên quan đến chỉ dẫn địa lý trong Bộ luật Tố tụng hình sự

Trong thời gian tới, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên thế giới và Việt Nam sẽ ngày càng được chú trọng. Vì vậy, việc chú trọng hơn so với yêu cầu của Hiệp định CPTPP cũng thể hiện Việt Nam coi trọng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tạo môi trường thuận lợi, an toàn và thu hút. Từ các phân tích trên, việc sửa đổi cả bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý trong thời điểm này là hoàn toàn phù hợp.

Phát biểu thảo luận, nhiều đại biểu không đồng tình với việc bãi bỏ quy định “chỉ khởi tố vụ án hình sự về hành vi xâm phạm đối với chỉ dẫn địa lý trong trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng khi có yêu cầu của người bị hại”.

Các ý kiến cho rằng, Hiệp định CPTPP quy định về việc cơ quan tố tụng có thẩm quyền của các quốc gia có thể khởi tố vụ án hình sự về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu mà không cần có yêu cầu khởi tố của bị hại, Hiệp định không đặt ra yêu cầu đối với chỉ dẫn địa lý.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường phát biểu thảo luận

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường – Quảng Bình đề nghị cân nhắc nội dung này. Ông Cường cho rằng pháp luật hiện hành quy định như vậy để bảo vệ lợi ích của người bị hại, họ có quyền lựa chọn hoặc thương lượng hòa giải yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc yêu cầu khởi tố vụ án. Nếu bỏ quy định này sẽ không có lợi cho người bị hại.

Đặc biệt, chỉ dẫn địa lý thuộc sở hữu nhà nước. Nhà nước trao quyền sở hữu cho UBND cấp tỉnh và một số tổ chức hiệp hội, quyền quản lý trao cho các doanh nghiệp sản xuất quyền sử dụng. Như vậy kh một hành vi xâm phạm thì tất cả các chủ thể có quyền yêu cầu khởi tố.

Theo ông Cường, việc điều tra chứng minh hành vi xâm phạm chỉ dẫn địa lý là vấn đề khó, phức tạp, nếu như không có sự yêu cầu cộng tác của chủ sử hữu hoặc người bị hại trong việc cung cấp các thông tin liên quan đến chỉ giới địa lý đã được đăng ký hay chưa? phạm vi đăng ký đến đâu? giá trị của mình thế nào đặc biệt là các chỉ dẫn địa lý. Cho nên nếu quy định như dự thảo có thể dẫn đến trường hợp có quy định phải khởi tố nhưng chúng ta không chứng minh được sẽ dẫn đến bỏ lọt tội phạm.

Ông Cường cũng cho rằng việc sửa đổi phải tuân thủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đây là yêu cầu nhà nước pháp quyền và Quốc hội cũng phải tuân thủ theo quy định này.

Hiện nay việc sửa đổi theo trình tự thủ tục rút gọn, tuy nhiên đây không phải vấn đề cấp bách, thuộc trường hợp phải sửa đổi để thực hiện theo các điều ước quốc tế, không phải trường hợp sửa đổi vì thiên tai, dịch bệnh, hay các trường hợp khẩn cấp khác nên không thuộc trường hợp được sửa đổi theo thủ tục rút gọn.

Theo đại biểu, việc sửa đổi cần tuân thủ theo các quy định chung trong xây dựng pháp luật. Đặc biệt cần lấy các ý kiến chịu sự tác động, nhất là ý kiến của UBND các cấp, tổ chức hiệp hội doanh nghiệp, thậm chí ý kiến của người tiêu dùng. Hiện nay cả Chính phủ, Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Công Thương đều băn khoăn, và thậm chí có ý kiến cho rằng nếu không thận trọng sẽ dễ hình sự hóa quan hệ hành chính và quan hệ dân sự thương mại.